image banner
KẾ HOẠCH Triển khai, thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn xã Bình Thuận
Lượt xem: 4
Căn cứ Kế hoạch số 320-KH/TU ngày 21/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về triển khai, thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Sơn La. Thực hiện Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 22/5/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về triển khai, thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Ủy ban nhân dân xã Bình Thuận ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn xã Bình Thuận với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao tại Kế hoạch số 320-KH/TU ngày 21/4/2025 của Tỉnh uỷ Sơn La về triển khai, thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Sơn La; Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 22/5/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.

- Phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả và thời gian hoàn thành, đảm bảo không chồng chéo và không bỏ sót các nhiệm vụ được giao.

- Huy động nguồn lực xã hội, tăng cường vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong việc triển khai trong công tác phổ cập kỹ năng số nhằm phổ cập kiến thức và kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân, góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong quản lý điều hành của hệ thống chính trị, trong sản xuất kinh doanh và trong đời sống sinh hoạt.

2. Yêu cầu

- Tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện từ cấp xã đến cơ sở; bảo đảm mỗi cơ quan, đơn vị, các bản đều có hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng Phong trào “Bình dân học vụ số”. Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, đi đầu trong thực hiện và hướng dẫn người dân học tập, ứng dụng kỹ năng số.

- Việc triển khai phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; bảo đảm tính linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; tích hợp các nội dung về chuyển đổi số trong các hoạt động hành chính, dịch vụ công, sản xuất kinh doanh, sinh hoạt đời sống thường ngày.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tiến độ và hiệu quả thực hiện phong trào; coi kết quả nâng cao năng lực số của người dân là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng phong trào.

- Đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân trong toàn bộ quá trình triển khai phong trào; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận diện và phòng tránh các rủi ro trên môi trường số.

II. NỘI DUNG PHONG TRÀO “BÌNH DÂN HỌC VỤ SỐ”

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức chuyển đổi số

Tổ chức các đợt truyền thông, tập huấn, hội thảo tại các xã, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người dân về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số và kỹ năng số trong đời sống. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân.

2. Cụ thể hóa cơ chế, chính sách hỗ trợ phổ cập kỹ năng số

Phối hợp triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ học tập kỹ năng số cho người dân, nhất là đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Rà soát, hỗ trợ điều kiện hoạt động cho các Tổ công nghệ số cộng đồng tại các bản.

3. Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số

Phối hợp triển khai chương trình phổ cập kỹ năng số cho từng nhóm đối tượng (cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh, nông dân, tiểu thương, người cao tuổi...). Tăng cường ứng dụng nền tảng học tập trực tuyến, tài liệu số hóa để người dân tiếp cận dễ dàng.

4. Phát động phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số

Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, các bản phát động phong trào “Mỗi cán bộ, công chức là một hạt nhân chuyển đổi số”; “Mỗi gia đình là một điểm học tập số”; thi đua tự học, chia sẻ kỹ năng số. Triển khai các hội thi, diễn đàn, lớp học cộng đồng về chuyển đổi số.

5. Lồng ghép Phong trào với các đề án, chương trình đã và đang triển khai

 Gắn kết Phong trào “Bình dân học vụ số” với triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn xã.

6. Tổ chức tổng kết, đánh giá, khen thưởng kịp thời

 Các cơ quan, đơn vị, các bản chủ động đánh giá hiệu quả triển khai Phong trào theo từng năm, từng giai đoạn; kịp thời phát hiện, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả; tổng hợp danh sách gửi phòng Văn hoá - Xã hội xã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền tổ chức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

 

III. CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Các chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2025

- 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc.

- 100% học sinh trung học và sinh viên trên địa bàn xã được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số.

- 80% người dân từ 18 tuổi trở lên có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số.

- 50% người dân từ 18 tuổi trở lên được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VneID.

- 80% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã, đặc biệt là các ngành chủ lực của xã (nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch…) có kỹ năng số cơ bản và sử dụng thiết bị thông minh phục vụ sản xuất và kinh doanh.

2. Các chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2026

- 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc.

- 100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, nhận biết được nguy cơ, có kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường số.

- 100% người dân từ 18 tuổi trở lên có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số.

- 60% người dân từ 18 tuổi trở lên được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VneID.

- 100% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã, đặc biệt là các ngành chủ lực của xã (nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch…) có kỹ năng số cơ bản và sử dụng thiết bị thông minh phục vụ sản xuất và kinh doanh.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Thông tin, tuyên truyền

a) Phòng Văn hoá - Xã hội xã

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng, cung cấp thông tin, tài liệu, tác phẩm truyền thông để phát hành bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền, phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và các nền tảng mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội.

- Tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai “Ngày hội toàn dân học tập số” vào ngày 10/10 hàng năm (Ngày Chuyển đổi số quốc gia); kết hợp với các hoạt động trực tuyến và trực tiếp tại các địa phương, bao gồm hội thảo, tọa đàm, hội thi và các lớp học số cho cộng đồng.

- Xây dựng và duy trì chuyên mục “Bình dân học vụ số” trên Trang Thông tin điện tử xã Bình Thuận (https://binhthuan.sonla.gov.vn).

- Chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục tổ chức các lớp học và hội thảo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kỹ năng số cho học sinh và giáo viên.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động ngoại khóa và thi đua học tập về chuyển đổi số cho học sinh.

c) Các cơ quan, đơn vị, các bản thuộc xã

- Thực hiện tuyên truyền trên các Trang thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội về chuyển đổi số và phong trào “Bình dân học vụ số”.

- Triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” tại cơ sở, tuyên truyền và phổ biến các lợi ích của chuyển đổi số đến từng hộ gia đình và người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày.

- Tham gia các hoạt động như hội thảo, tọa đàm, hội thi, trải nghiệm sử dụng các nền tảng số và các lớp học số cho cộng đồng do cấp có thẩm quyền tổ chức.

- Đảm bảo kết hợp các hoạt động trực tuyến và trực tiếp để triển khai phong trào học tập số trên địa bàn.

- Hỗ trợ các tổ chức cộng đồng và các nhóm đối tượng khó khăn (như người cao tuổi, người dân tộc thiểu số và người có hoàn cảnh khó khăn) trong việc tiếp cận thông tin về chuyển đổi số và Phong trào “Bình dân học vụ số”.

2. Triển khai thực hiện các quy định, hướng dẫn

 a) Về đánh giá, xác nhận trình độ phổ cập kỹ năng số

- Phòng Văn hoá - Xã hội xã: Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch triển khai, phương pháp, tiêu chí đánh giá kỹ năng số trên địa bàn xã; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; tổng hợp kết quả đánh giá từ các đơn vị; phối hợp với với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai Khung kỹ năng số.

- Triển khai đánh giá kỹ năng số đối với học sinh các cấp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

 - Phòng Kinh tế xã: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, vận động doanh nghiệp triển khai đánh giá kỹ năng số cho người lao động; lồng ghép nội dung này vào hoạt động phát triển doanh nghiệp.

- Các bản thuộc xã: Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia đánh giá kỹ năng số; tổng hợp, báo cáo kết quả theo định kỳ.

b) Về thi đua, khen thưởng trong phong trào “Bình dân học vụ số”

- Phòng Văn hoá - Xã hội xã: Tổ chức thông tin, tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, thành tích nổi bật của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân.

- Các cơ quan, đơn vị, các bản: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, chủ động phát hiện, đề xuất các mô hình hay, cá nhân tiêu biểu để khen thưởng kịp thời.

c) Về triển khai cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp

- Phòng Văn hoá - Xã hội xã:

 + Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ, tổ chức xã hội tham gia phong trào “Bình dân học vụ số”; làm đầu mối kết nối với các đơn vị liên quan.

+ Tham mưu lồng ghép nội dung “Bình dân học vụ số” vào các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

- Phòng Kinh tế xã:

+ Tham mưu đảm bảo nguồn kinh phí cho việc triển khai cơ chế, chính sách; tổng hợp dự toán kinh phí các hoạt động liên quan đến phong trào “Bình dân học vụ số”, gắn với hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

+ Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng và ban hành chính sách của xã trong việc hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng (Tổ chuyển đổi số cộng đồng); bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu của Kế hoạch đã đề ra.

- Các bản: Tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài ngân sách để triển khai các mô hình học tập kỹ năng số tại cơ sở.

3. Triển khai chương trình phổ cập kỹ năng số

a) Phòng Văn hoá - Xã hội xã (Cơ quan chủ trì)

 - Phối hợp tham mưu xây dựng, triển khai Khung chương trình phổ cập kỹ năng số theo các đối tượng cụ thể, đảm bảo chương trình đào tạo tập trung vào nội dung cốt lõi, chú trọng thực hành, ứng dụng vào công việc và đời sống.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến và trực tiếp về kỹ năng số, đặc biệt cho các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Đảm bảo tính thực tiễn của chương trình đào tạo, hỗ trợ học viên ứng dụng công nghệ số vào công việc, tăng cường phát triển các kỹ năng số cần thiết trong đời sống và sản xuất.

- Cung cấp tài liệu, bài giảng cho các cơ quan, tổ chức để triển khai chương trình đến từng đối tượng học viên, bao gồm các tài liệu hướng dẫn và nền tảng học trực tuyến.

- Triển khai chương trình phổ cập kỹ năng số tại các trường học, cơ sở giáo dục trong xã. Hỗ trợ các trường học tích hợp các kỹ năng số vào chương trình giảng dạy chính thức, tăng cường trải nghiệm học tập thông qua các nền tảng số.

- Xây dựng và tổ chức các khóa học, lớp học trực tuyến và trực tiếp về kỹ năng số cho học sinh, đặc biệt là trong các trường ở vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo học sinh từ tiểu học đều được trang bị kiến thức cơ bản và nâng cao về chuyển đổi số, kỹ năng số, đặc biệt tập trung vào kỹ năng an toàn trên môi trường số.

 - Phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tổ chức các chương trình đào tạo nghề, kỹ năng số cho người lao động và các nhóm yếu thế như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và người cao tuổi.

- Phối hợp cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn giúp người lao động phát triển kỹ năng số để nâng cao năng suất lao động và đáp ứng nhu cầu việc làm trong môi trường chuyển đổi số.

- Hỗ trợ các trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở đào tạo nghề tổ chức các khóa học về công nghệ số cho người lao động. Phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho người lao động, đặc biệt là lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất.

c) Phòng Kinh tế

 - Phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế tổ chức các khóa đào tạo về công nghệ số, kỹ năng số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và quản lý, nâng cao năng lực sản xuất qua việc ứng dụng công nghệ số.

 - Phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan xây dựng các mô hình đào tạo thực tế, áp dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất và cung cấp dịch vụ.

d) Các cơ quan, đơn vị

Chỉ đạo, bố trí công việc, cử nhân sự theo đúng đối tượng tham gia các khóa đào tạo trực tuyến và trực tiếp về kỹ năng số cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý.

đ) Các bản thuộc xã

 - Triển khai các buổi tập huấn, hội thảo, lớp học, khóa đào tạo về kỹ năng số cho người dân tại các xã, bản, đặc biệt là cho các nhóm đối tượng yếu thế, bao gồm người cao tuổi, phụ nữ, người dân tộc thiểu số.

- Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, hội, nhóm tình nguyện viên trong cộng đồng để hỗ trợ người dân học hỏi và thực hành các kỹ năng số cơ bản.

- Cung cấp các tài liệu học tập, hỗ trợ phương tiện học tập và kết nối với các nền tảng học trực tuyến cho những người dân chưa có điều kiện tiếp cận.

4. Triển khai ứng dụng các nền tảng số

a) Phòng Văn hoá - Xã hội xã (Cơ quan chủ trì)

- Triển khai ứng dụng nền tảng học trực tuyến mở đại trà quốc gia (MOOCs) “Bình dân học vụ số” và các nền tảng học tập trực tuyến khác để đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập kiến thức về chuyển đổi số và kỹ năng số cho mọi đối tượng trên địa bàn xã (theo chương trình của Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai).

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị để đảm bảo nền tảng học trực tuyến đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng. Hỗ trợ triển khai các nền tảng học trực tuyến và trợ lý ảo cho người dân tại các địa phương.

- Phối hợp với Công an xã để triển khai nền tảng tích hợp với VneID nhằm tuyên truyền về chuyển đổi số, định danh và xác thực người học. Cung cấp các khóa học về chuyển đổi số và đánh giá kết quả học tập của người dân thông qua hệ thống đánh giá tự động.

- Tổ chức các khóa đào tạo và hướng dẫn sử dụng nền tảng học trực tuyến; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ học tập về chuyển đổi số và kỹ năng số cho học sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã , cung cấp bài giảng và tài liệu học tập cá nhân hóa cho học sinh.

c) Các bản thuộc xã

- Triển khai các chương trình, tổ chức các lớp học số và hội thảo học trực tuyến và trợ lý ảo tại cơ sở, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nền tảng học tập, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số và kỹ năng số.

- Chỉ đạo các đoàn thể, hội nhóm, Tổ công nghệ số cộng đồng tại bản để tuyên truyền và hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng học tập trực tuyến và công nghệ số.

5. Phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho từng nhóm đối tượng

 a) Cập nhật, nâng cao tri thức, phổ cập kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan

Phòng Văn hoá - Xã hội xã chủ trì: Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về chuyển đổi số, kỹ năng số. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nội dung chuyển đổi số, phát triển kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức của xã.

b) Phổ cập kỹ năng số cho người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

- Phòng Văn hóa - Xã hội xã chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn xã, các cơ quan đơn vị:

+ Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng số cho công nhân và người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để nắm vững xu hướng chuyển đổi số.

+ Tổ chức các khóa đào tạo về việc sử dụng công cụ và phần mềm quản lý sản xuất, tự động hóa, giám sát chất lượng sản phẩm.

+ Hỗ trợ đào tạo công nghệ mới, phần mềm tự động hóa cho người lao động tại các doanh nghiệp.

c) Phổ cập kỹ năng số cho người dân

- Phòng Văn hóa - Xã hội xã:

+ Phối hợp triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe trực tuyến cho người cao tuổi, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, đảm bảo nâng cao hiểu biết về sức khỏe điện tử.

+ Tổ chức các lớp học kỹ năng số chuyên biệt cho người khuyết tật, xây dựng các chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng nhóm đối tượng.

- Các bản thuộc xã:

+ Tổ chức các buổi học cộng đồng về chuyển đổi số và kỹ năng số cho người dân tại bản.

 + Chỉ đạo các Tổ công nghệ số cộng đồng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ tổ chức lớp học và hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán số.

+ Tổ chức lớp học “Bình dân học vụ số” cho người cao tuổi về sử dụng Internet, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán số.

+ Phát động các chương trình hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và sử dụng dịch vụ số, tổ chức các lớp học, tọa đàm, hội thảo phổ cập kỹ năng số cho người dân, nhất là đối tượng yếu thế như người cao tuổi, lao động phổ thông.

6. Triển khai các mô hình, phong trào lan tỏa kỹ năng cho cộng đồng

a) Xây dựng mạng lưới “Đại sứ số”

 - Trung tâm phục vụ hành chính công xã chủ trì:

 + Xây dựng và triển khai mô hình “Đại sứ số” tại xã.

+ Triển khai mô hình bố trí ít nhất một nhân sự tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã hỗ trợ người dân khi làm thủ tục hành chính.

b) Mỗi hộ gia đình có ít nhất một thành viên tham gia phong trào “Gia đình số”

- Các bản thuộc xã:

+ Triển khai phong trào “Gia đình số”, xây dựng các hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn cho các hộ gia đình.

 + Phổ biến và hướng dẫn các hộ gia đình tham gia phong trào, tổ chức các lớp học và hoạt động tuyên truyền về kỹ năng số tại cộng đồng.

c) Đào tạo các cá nhân có hoạt động thương mại, nông dân và người dân khu vực nông thôn tham gia mô hình “Chợ số - Nông thôn số”

 - Phòng Kinh tế xã chủ trì:

+ Triển khai mô hình “Chợ số - Nông thôn số” cho tiểu thương, nông dân và người dân khu vực nông thôn.

+ Tổ chức các khóa đào tạo và hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh và thương mại điện tử.

+ Hỗ trợ kết nối sản phẩm của tiểu thương lên các nền tảng số.

- Các bản thuộc xã: Tham gia các lớp đào tạo và hướng dẫn cho tiểu thương, nông dân tại địa phương về kỹ năng sử dụng công nghệ và thương mại điện tử.

d) Bảo đảm 100% công dân từ 16 tuổi tham gia mô hình “Mỗi công dân - Một danh tính số”

- Công an xã chủ trì:

+ Triển khai mô hình “Mỗi công dân - Một danh tính số” cho tất cả công dân từ 16 tuổi trở lên.

+ Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VneID.

+ Phối hợp triển khai và duy trì các dịch vụ, nền tảng số ngành Ngân hàng để người dân có thể thực hành, trải nghiệm; đẩy mạnh công tác truyền thông giúp người dân tiếp cận, sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng số một cách hiệu quả, hợp lý, an toàn.

+ Hướng dẫn người dân tại địa phương cài đặt và sử dụng ứng dụng VneID, hỗ trợ người dân trong việc đăng ký danh tính số.

đ) Phát huy cao độ vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng

- Phòng Văn hoá - Xã hội xã chủ trì: Cung cấp công cụ, tài liệu và hỗ trợ các Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” tại các địa phương, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa.

- Các bản thuộc xã: Duy trì các Tổ công nghệ số cộng đồng, hỗ trợ các hoạt động phổ cập kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số cho người dân ở địa phương.

 

Tải về

Tác giả: Quàng Nhung - Phòng VHXH Bình Thuận
Tin liên quan
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập